📅 Cập nhật: 2019-03-14 16:25:25
Thị trường hàng hóa nông sản trong năm
6 lần điều chỉnh giá xăng, 7 lần điều chỉnh giá gas, vật liệu xây dựng vẫn "đóng băng", nông thủy sản mất giá...
6 lần điều chỉnh giá xăng
Trong 6 tháng đầu năm giá xăng có 6 lần điều chỉnh, trong đó có 3 lần tăng và 3 lần giảm. Lần giá xăng điều chỉnh tăng mạnh là ngày 28/3 với 1.400 đồng/lít, đưa giá xăng trong nước lên mức cao kỷ lục 24.550 đồng/lít.
Do điều chỉnh tăng mạnh hơn giảm nên giá xăng hiện cao hơn 960 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2012. Giá xăng Ron92 bán lẻ đang là 24.110 đồng/lít.
7 lần điều chỉnh giá gas
Giá gas giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, tổng cộng giảm 68.000 đồng/bình, và sau đó là tăng trở lại trong tháng 6 và đầu tháng 7, mức tăng 14.000 đồng/bình.
Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng hiện là 375.000 – 3780.000 đồng/bình 12kg, thấp hơn 64.000 đồng/bình so với cuối năm 2012.
Vật liệu xây dựng vẫn “đóng băng”
Nối tiếp những khó khăn của năm 2012, trong 6 tháng đầu năm nay ngành vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục “đóng băng”. Đến cuối tháng 6, thị trường mới xuất hiện một vài tín hiệu tích cực nhờ kỳ vọng vào gói kích cầu bất động sản 30.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng, sản xuất thép ước đạt 2,254 triệu tấn, giảm 32.000 tấn tức 1,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tiêu thụ thép cùng thời gian này tăng 18.000 tấn tức 0,8% lên 2,256 triệu tấn.
Đến cuối tháng 6, lượng thép thành phẩm còn tồn khoảng 310.000 tấn, giảm 40.630 tấn tức 11,58% so với cùng kỳ năm trước; phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 7 là 450.000 tấn, giảm 50.000 tấn tương đương 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tiêu thụ xi măng nội địa trong 6 tháng ước đạt 24 triệu tấn, bằng khoảng 50% kế hoạch năm, trong khi xuất khẩu khoảng 4,5 triệu tấn xi măng và clinker. Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu xi măng năm 2013 vào khoảng 56-57 triệu tấn, tăng 4-5% so với năm 2012, trong đó xi măng nội địa khoảng 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu 7,5 - 8,0 triệu tấn.
Thực phẩm giảm giá, thực phẩm bẩn tràn lan
Giá thực phẩm biến động liên tục trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa vụ. Nhìn chung giá thực phẩm giảm trong phần lớn thời gian, chỉ tăng trong dịp Tết Nguyên đán, những ngày trời nắng nóng hoặc mưa to và có dấu hiệu nhích lên chút ít trong tháng 6 sau khi giá xăng điều chỉnh 2 lần tăng liên tiếp.
Dù các cơ quan chức năng đã siết chặt hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm song thực phẩm bẩn vẫn tràn lan như bún ế tái chế bằng hóa chất, thực phẩm thối nhập lậu, cà phê trộn hương liệu, trà sữa dùng phẩm màu vượt quá quy định, đồ nướng tẩm hương liệu làm từ hóa chất…
Nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng, xuất khẩu gặp khó
Thời tiết thay đổi, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... khiến tôm, ngao nuôi tại miền Nam và miền Trung chết hàng loạt. Thủy sản nuôi trồng chết làm cho hàng ngàn người mất việc, hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn, người nuôi thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Người nuôi trồng còn đối mặt với giá sản phẩm đầu ra ở mức thấp, doanh nghiệp xuất khẩu thì gặp khó ở các thị trường quan trọng do bị kiểm dịch chặt chẽ trong khi còn bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao. Hai mặt hàng chịu áp lực nhất là tôm và cá tra.
Doanh nghiệp thủy sản cũng gặp khó vì chi phí sản xuất cao bởi thức ăn chăn nuôi đắt đỏ trong khi lãi suất vay ngân hàng còn cao và khó tiếp cận vốn. Nhiều “đại gia” thủy sản rơi vào cảnh vỡ nợ và phá sản.
Ngành chăn nuôi kêu cứu
Từ đầu năm 2012, giá thịt lợn (heo) liên tục giảm, giá gà cũng luôn bấp bênh ở mức thấp, cá biệt có lúc xuống đến “đáy” là 12.000 đồng/kg gà trắng. Trong khi đó, giá thức ăn luôn ở mức cao là 11.000-12.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề, nhiều người đã bỏ cuộc.
Ngoài dịch bệnh, ngành chăn nuôi còn phải đối mặt với tình trạng nhập lậu diễn ra phức tạp và có phần mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc, điển hình gần đây là vụ cá tầm, khiến cho người nuôi lao đao.