📅 Cập nhật: 2019-03-14 16:25:32
Nước nào sẽ là tìm năng cho thị trường xuất khẩu điều Việt Nam?
Tình hình xuất khẩu hạt điều các nước Châu Phi, Tây Á, Nam Á
Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang các nước thuộc khu vực đạt 352,7 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong năm 2015, xuất khẩu hạt điều (chủ yếu là điều nhân) của Việt Nam sang thị trường các nước khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á đều có tăng trưởng so với năm trước. Cụ thể: khu vực Châu Phi tăng 17%, khu vực Tây Á 12,6% và khu vực Nam Á 193%. Những thị trường xuất khẩu chính gồm UAE, I-xra-en, Li-băng, Ấn Độ, Gioc-đa-ni, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập…
Dự báo tình hình xuất khẩu điều trong thời gian tới
Theo các chuyên gia, giá điều năm nay tăng do giá thế giới tăng và hạt điều trong nước có chất lượng tốt. Nhu cầu tiêu dùng hạt điều của thế giới năm 2016 được dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt ở thị trường Trung Đông, Mỹ, Trung Quốc…
Tuy nhiên, nhiều khả năng nguồn cung sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của El Nino. Hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra trái cũng như năng suất, sản lượng điều của Việt Nam. Do đó, sản lượng nhân điều của Việt Nam năm 2016 dự báo không tăng so với năm 2015. Thêm vào đó, lượng điều tồn kho trong nước hiện rất thấp. Doanh nghiệp phải chờ đến mùa thu hoạch chính vụ ở trong nước để có nguyên liệu chế biến, đồng thời cũng bị hạn chế bởi một số lệnh cấm xuất khẩu điều thô của một số nước Châu Phi như Ga–na, Mô-dăm-bích. Ngoài ra, khó khăn mà các Doanh nghiệp đang phải đối mặt, chính là tình trạng giá điều nguyên liệu hiện đang ở mức khá cao, trong khi giá nhân điều lại không tăng khiến Doanh nghiệp không dám mua vào vì sợ lỗ.
Các chuyên gia dự báo rằng xuất khẩu điều nhân vào Trung Đông, Nam Á… năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để khắc phục những khó khăn này, các Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ để đẩy mạnh chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn, hướng tới cạnh tranh bằng chất lượng thay vì chỉ sơ chế rồi xuất khẩu như hiện nay.
Tình hình nhập khẩu hạt điều
Từ năm 1996, cùng với việc hạn chế xuất khẩu hạt điều thô ra nước ngoài, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu điều nguyên liệu từ thị trường các nước trong khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á để bù đắp thiếu hụt hạt điều thô trong nước nhằm phục vụ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều thô từ Châu Phi (hơn 99%), các khu vực còn lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Trong năm 2015, nhập khẩu hạt điều từ Châu Phi, với kim ngạch đạt 862,8 triệu USD, tăng 71% so với năm 2014. Nhập khẩu từ các khu vực còn lại chỉ với kim ngạch nhỏ, và giảm so với năm trước. Những thị trường cung cấp chính là Bờ Biển Ngà, Ga-na, Ni-giê-ri a, Ghi-nê-bít-xao, Bê-nanh, Tô gô, Bu ki na pha sô, Mô dăm bích…, trong đó Bờ Biển Ngà là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, cùng với việc phục hồi của kinh tế thế giới nhất là hai thị trường EU và Mỹ, nhu cầu tiêu thụ điều chế biến có xu hướng tăng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu nguyên liệu điều thô, đặc biệt từ các nước Châu Phi. Kim ngạch nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ Châu Phi đạt 440,8 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2015 trong đó Bờ Biển Ngà đạt 221,8 triệu USD, Ni-giê-ri-a 87,9 triệu USD, Tan-za-ni-a 56,2 triệu USD, Ga-na53,7 triệu USD, Bê-nanh 9,3 triệu, Ghi-nê Bít-xao 7,3 triệu USD, Buốc-ki-na Pha-sô 1,4 triệu USD…
Khó khăn khi nhập khẩu điều từ Châu Phi
Nếu như trước đây các giao dịch mua bán điều thô vẫn chủ yếu thông qua môi giới điều của Ấn Độ, Xin-ga-po thì nay nhiều doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung cấp điều của Châu Phi. Việc mua hàng trực tiếp đã giúp doanh nghiệp của ta giảm bớt được các chi phí trung gian, gia tăng lợi nhuận. Mặc dù vậy, trong quá trình giao dịch, đã phát sinh một số vướng mắc.
+ Khó khăn thứ nhất là các ngân hàng Việt Nam và Châu Phi chưa thiết lập quan hệ hợp tác, điều này gây khó khăn trong việc mở L/C, tăng chi phí ngân hàng trung gian và kéo dài thời gian thanh toán.
+ Thứ hai là một số doanh nghiệp của Châu Phi còn thiếu tôn trọng hợp đồng đã ký và khi tranh chấp xảy ra rất khó xử lý. Đôi khi các đối tác Châu Phi, chẳng hạn như tại Bờ Biển Ngà không chịu giao hàng theo hợp đồng để ép giá.
+ Khó khăn thứ ba là tình hình chính trị của một số nước tại khu vực này còn thiếu ổn định, dẫn đến nguồn cung không được bảo đảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp phải các vấn đề như thiếu thông tin về đối tác, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Ví dụ, đa số các nước Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng Anh nên gặp khó khăn trong giao dịch.
Giải pháp
Để góp phần giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương và các Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Châu Phi đã thường xuyên tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam như:
+ Xác minh đối tác nhằm phòng tránh rủi ro khi giao dịch nhất là ở khu vực Tây và Trung Phi;
+ Cảnh báo những hiện tượng lừa đảo qua mạng internet để các doanh nghiệp của ta biết cách phòng ngừa;
+ Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình bất ổn chính trị, xã hội, cơ hội kinh doanh, những thay đổi chính sách xuất nhập khẩu của các nước Châu Phi trên các trang tin điện tử, báo, tạp chí chuyên ngành của Bộ;
+ Tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ-triển lãm tại Châu Phi nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường và tìm kiếm đối tác tin cậy.